Wednesday, March 30, 2016

Có một nỗi buồn rất đẹp…

Có một nỗi buồn rất đẹp…
Cách đây gần 10 năm, GT đã bắt đầu câu chuyện với tôi bằng câu hỏi: “Như thế nào là hạnh phúc?”
Tôi không nhớ rõ câu trả lời của mình lúc ấy là như thế nào, với cái nhìn ở tuổi 17-18, khi mà bầu trời cao và rộng, khi mà nhựa sống và nhiệt huyết còn căng đầy trong mạch máu, khi mà tôi còn chưa hiểu hết định nghĩa “Hạnh phúc giản đơn như lúc anh đang thèm một điếu thuốc và anh được rít một hơi đầy và ngon.” của nhạc sĩ Phú Quang là như thế nào.
Những tâm tình của Phú Quang bao giờ cũng bình dị mà sâu sắc. Tôi rất thích nghe ông trò chuyện trong chương trình “Người Đương Thời” phát trên VTV1 (năm 2010) với một chút hóm hỉnh, một chút chân tình và một chút hoài niệm rồi chiêm nghiệm về cuộc sống này. Và tôi đã từng dễ “phải lòng” với kiểu một người đàn ông như vậy. Mà, hình như bây giờ, sau nhiều năm, tôi vẫn thế, vẫn say đắm với phong cách trầm tĩnh, có chút gì đó cô đơn nhưng sắc nét và bản lĩnh.
Những bài hát của Phú Quang, tôi nghe hoài không biết chán. Mỗi lần nghe lại, ở những thời đoạn khác nhau, tôi lại cảm nhận được thêm những nét đẹp khác nhau rất riêng, rất mới trong ca từ cùng giai điệu của chúng.
Và, bao giờ cũng buồn kỳ lạ!
“…Tôi đã yêu, đã yêu như chết là hạnh phúc…” (Khúc mùa thu – Lời: Hồng Thanh Quang; Nhạc: Phú Quang)
Có bao giờ ta ước ta được “yêu như chết là hạnh phúc” chưa? Có vô lý quá không? Chẳng phải sao, khi mà có những con người chẳng bao giờ tự trả lời được câu hỏi cho chính bản thân là họ đã/ đang thực sự yêu chưa? Xem ra, “yêu như chết là hạnh phúc” coi vậy mà khó đấy! Việc kiếm được một đối tượng để ta “yêu như chết là hạnh phúc” lại càng không dễ dàng!… Bởi thế, “Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa, sao thương ai ở mãi cung Hằng/ Lời nguyện cũ trên đầu như nguyệt quế, đâu chịu nhòa khi tới giữa mùa trăng…”. Ta tìm được em giữa cuộc đời bao la này là một điều kỳ diệu, cho dù “…chưa hết cuộc yêu tôi đã hiểu: Em ám ảnh tôi trọn một kiếp người…”. Tôi đoán, Phú Quang là một kẻ kén chọn trong việc tìm lời để phổ nhạc. Trong một bài note trước, tôi có nhắc đến Dương Tường với “Tình khúc 24”, và khá dễ dàng cho những ai yêu thích âm nhạc của Phú Quang để nhớ tới “Nỗi nhớ mùa đông” với lời thơ của nữ sĩ Thảo Phương hay “Im lặng đêm Hà Nội” của nữ sĩ Phạm Thị Ngọc Liên v.v, tất cả đều để lại cảm giác sâu lắng và khắc khoải cho người nghe. Nhưng những nỗi buồn đó đều khá nhẹ nhàng, không quá cay đắng và chua xót, không quá “lên gân” và ủy mị sầu thảm! Theo tôi, một cách phiếm diện mà nói, những nỗi buồn đó đều rất đẹp!
Với “Khúc mùa thu”, theo phong cách Phú Quang, cũng không là một ngoại lệ! Nghe lời một người bạn, tôi tìm ca khúc này do Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung trình bày sau khi đã nghe qua các bản do Quang Lý hay Ngọc Tân hát. Quả thật, tôi nghe đến đâu, thấy “da gà” nổi lên đến đó! (Tôi có thói quen khá kỳ lạ là khi thưởng thức một giọng ca hay và khác biệt, tôi sẽ tự dưng phản ứng như vậy.) Hay khiếp!…Không phải do kỹ thuật điêu luyện của một “Con chim Họa mi của dòng nhạc Giao hưởng Thính phòng hay nhạc kịch”, mà chính là sự xúc cảm của sức mạnh truyền thụ… Xúc cảm gì ư? Hạnh phúc. Đau nhói. Tràn đầy. Vỡ vụn. Chân tình. Lặng. Liêu trai. Mơ hồ. Xa vắng. Gần gụi. Dữ dội. Buông xuôi… Tất cả những tính từ có thể tìm thấy, tôi vẫn không diễn tả được hết thế nào là “nỗi buồn rất đẹp” của “Khúc mùa thu”…
Trong một kiếp người, ta tìm được Em. Rồi ta để mất Em. Còn lại gì ư? Sự ám ảnh mà ta chẳng thể nào chối bỏ. Sự bất lực chấp nhận số phận, chấp nhận sự ra đi, chấp nhận câu trả lời, và còn là sự chấp nhận cả sự mềm yếu của trái tim mình khi biết rằng vĩnh viễn ở đó sẽ có một khoảng trống chẳng bao giờ được lấp đầy. Vĩnh viễn. Sẽ có lúc, nỗi đau dềnh lên, cồn cào như sóng, rưng rức như một vết thương cũ vào lúc chuyển mùa trái gió trở trời. Ta chấp nhận tất cả. Vì đó là vị hạnh phúc mà chẳng phải ai cũng có thể “nếm” được.
Nhưng vẫn thật buồn khi nghe và (tự) hỏi: “…Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc, Em tìm gì khi thất vọng về tôi?…”
Trên tất cả, ta thấy thất vọng. Không phải về Em. Mà là về chính ta. Có thể vì ta hèn kém, có thể vì ta đã không đủ bản lĩnh để giữ Em lại. Có thể vì ta không thể làm gì được, không thay đổi được tình huống. Ta chỉ đủ để được nhìn thấy/ nghe thấy về Em và vậy thôi!
…Như vậy, có đủ chưa, cho một nỗi buồn rất đẹp…?
Liên Nguyễn
(Houston, 4/1/2013)

P/s: Kiem lai duoc cai nay tang C., mung qua! Tuong that lac luon roi, C. oi!:)

No comments:

Post a Comment