Wednesday, March 30, 2016

Tình Khúc 24…

Khuya. Giọng Hồng Nhung nghe khắc khoải hơn. Tôi bỗng dưng nhớ Hà Nội.
Cách đây vài năm, tôi lang thang đi trên hè phố Hà Nội vào những ngày vào thu như thế này. Lạnh, cái rét mướt rất riêng mà Sài Gòn hiếm khi nào có được. Trong miên man những ký ức còn sót lại, tôi thích hình ảnh tôi hồi ấy, đứng bâng khuâng trong chiều nhìn những màu áo ấm say mê qua lại. Một chuyến công tác chóng vánh cũng đủ đặt vào tôi những hoài niệm…
“Hai tư phím cầm chiều. Hai tư nhành sương mím. Hai tư tiếng ve sầu. Đại lộ tháng tư…”
Từ “hai tư” nghe thật thích. Lần đầu tiên nhìn tựa đề, tôi đã không ngại ngần phát âm “tình khúc hai mươi bốn”. Buồn cười. “Hai tư” nghe khác hẳn, đậm chất Hà Nội, đầm ấm và nồng nàn hơn rất nhiều, mà còn bởi vì đây là một bức thư tình nữa!… Tôi nghe Hồng Nhung hát nhạc Phú Quang đã bao lần, mà sao “Tình khúc hai tư” chưa bao giờ hết da diết và tình cảm! Vẫn buồn như vậy! Khi hát đến đoạn “Gửi lại Em, tờ thư hai tư gác mưa…”, tôi cứ ngỡ nhìn thấy Phan đâu đó, đầy day dứt.
Mà sao phải là “hai tư’ mà không là bất cứ số thứ tự nào khác?! Tôi muốn hỏi Phú Quang. Hẳn ông chỉ có thể nhắc đến một cái tên “Dương Tường”. Chỉ có chính tác giả bài thơ nguyên gốc mới có thể trả lời được. Ông bảo bài thơ này ông viết cho một người con gái và cô ấy hai tư tuổi.
“24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu
đại lộ tháng tư
Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuet 24 âm xưa
Gửi lại em
mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
ga khuya 24 lần đưa đón
bài huê tình 24 lối sân sau
Gửi lại em
doi sông 24 nhịp cầu
tình khúc bãi ngô 24
sương dâng 24 nẻo đi về
Nhâm nhâm 24 hàng đèn
mênh mênh 24 ngã tư mắt
Gửi lại em
chiêm bao 24 chợt hiện tan
cung đàn 24 lần đứt nối
vũng im đêm 24 mạy sao chìm
Gửi lại em
24 phố dài thơm
24 xêrênađ
24 vibratô
24 khung trời tím
24 lối công viên
24 vầng trăng góa
Gửi lại em
gửi lại em tất cả
kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ
Riêng đêm em xòa bóng nốt ruồi
24 quầng
anh giữ
[1976]
Đọc những ngôn từ lạ lẫm và khó hiểu của Dương Tường, ít ai nhớ ông chính là dịch giả nổi tiếng của “Cuốn theo chiều gió”, “Mật mã Da Vinci” hay “Kafka bên bờ biển”… Phú Quang phổ nhạc, thế là vừa đủ cho những xót xa!
Đã bao năm không nghe lại, tôi dường như muốn chạy trốn chính mình, để quên đi những hoài niệm, trong đó có “Tình khúc hai tư”. Kỳ lạ là, mỗi lần nghe “Tình khúc 24” tôi lại thèm đọc Thạch Lam với “Hà Nội băm sáu phố phường”, nhớ đêm ngồi ở cà phê mái hiên nào đó chẳng còn rõ tên lẳng lặng nhấm nháp ca cao nóng và Dj. đỏ. Cái lãng đãng du mục kỳ thực chẳng bao giờ mất đi được, nó chỉ ngủ quên mà thôi! Và tôi – kẻ cố nhân vô tình – đêm nay không muốn thêm một lần lỗi hẹn…
Houston, 10/24/12

No comments:

Post a Comment